Thông Tin Thuốc
Cách dùng thuốc nhỏ mũi chứa corticoid an toàn
CÁCH DÙNG THUỐC NHỎ MŨI CHỨA CORTICOID AN TOÀN
1. Tác dụng của thuốc nhỏ mũi corticoid
Corticoid bào chế dạng thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt mũi là loại dùng tại chỗ, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm của niêm mạc mũi. Do đó thuốc được lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Ngoài ra thuốc còn chỉ định trong các bệnh lý khác ở mũi như: Dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, viêm xoang mạn tính, viêm mũi, polyp mũi…
Một số tác dụng phụ tại chỗ có thể gặp bao gồm: Khô mũi, đóng vảy mũi, kích ứng niêm mạc mũi. Một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn, đặc biệt khi lạm dụng thuốc, dùng kéo dài liều cao và không giảm liều trước khi ngưng thuốc:
- Tại chỗ: Gây kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam, nhiễm nấm, teo niêm mạc mũi, loét vách mũi.
- Toàn thân: Gây khó ngủ, lo lắng, trầm cảm và nóng nảy; loãng xương, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, suy tuyến thượng thận…
2. Cách sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả
Để sử dụng thuốc an toàn, phải luôn ghi nhớ chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Khi dùng thuốc phải thực hiện theo các bước:
- Vệ sinh sạch mũi bằng nước muối sinh lý.
- Lắc đều chai thuốc trước khi nhỏ/xịt thuốc vào mũi.
- Hơi nghiêng đầu về phía trước, dùng ngón tay bịt một bên lỗ mũi. Giữ chai xịt thẳng đứng, đưa vòi xịt vào trong lỗ mũi còn lại và xịt 1-2 lần theo chỉ định của bác sĩ. Hít vào đồng thời cùng động tác xịt mũi. Lặp lại các bước với bên mũi kia.
- Trường hợp là thuốc nhỏ mũi thì ngửa đầu về phía sau, nhỏ 1-2 giọt thuốc theo chỉ định, hít nhẹ sau khi nhỏ thuốc. Giữ tư thế đầu hơi ngả ra phía sau trong khoảng 2-3 phút.
Trường hợp bị tắc mũi hoặc chảy nước mũi nhiều khiến thuốc không phát huy tác dụng, cần dùng thuốc thông mũi và làm sạch dịch tiết của mũi trước khi xịt/nhỏ thuốc corticoid.
Chỉ nên dùng thuốc trong vòng 30 ngày sau khi mở nắp lọ thuốc. Sau khi xịt/nhỏ mũi xong cần dùng bông y tế lau sạch vòi lọ thuốc.
Để tránh tình trạng lạm dụng thuốc nhỏ/xịt mũi corticoid, cần lưu ý:
- Thuốc cần cất ở nơi cao, cách xa tầm với của trẻ, bảo quản thuốc với nhiệt độ phòng khoảng từ 20 - 25 độ C.
- Không tự ý mua và sử dụng thuốc nhỏ/xịt mũi khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không dùng đơn thuốc lần trước cho lần sau bị bệnh.
- Đối với trẻ em, khi dùng thuốc xịt/nhỏ mũi kéo dài khoảng 2 tháng/năm đã có thể làm chậm tăng trưởng, có thể gây suy tuyến thượng thận. Do đó nếu trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài, dùng thuốc không hết thì cần trao đổi kỹ với bác sĩ về các biện pháp điều trị phù hợp hơn.
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong-Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
5 loại vitamin thiết yếu cho phụ nữ tăng cường sức khỏe nội tiết
5 LOẠI VITAMIN THIẾT YẾU CHO PHỤ NỮ TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE NỘI TIẾT
1. Vitamin D3
Vitamin D3 rất cần thiết để cải thiện các triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và PCOS, tăng ham muốn tình dục, cân bằng testosterone, chu kỳ kinh nguyệt…
Ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D3 tốt nhất. Các loại thực phẩm có chứa vitamin D3 bao gồm: Nguồn từ động vật (gan bò), bơ, ngũ cốc, phô mai, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, sữa tăng cường vitamin D…
2. Vitamin C
Lượng cortisol cao có thể gây mệt mỏi tuyến thượng thận, vitamin C có thể giúp ngăn ngừa điều này. Bên cạnh đó, vitamin C cũng có thể cải thiện khả năng sinh sản và mức progesterone trong cơ thể.
Vitamin C có trong nhiều loại thực phẩm và trái cây: Trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông, ổi...
3. Vitamin B12
Vitamin B12 hay cobalamin là một chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể con người cho quá trình trao đổi chất khác nhau. Chất dinh dưỡng hòa tan trong nước này giữ cho các tế bào thần kinh hoạt động bình thường và giúp sản xuất hồng cầu cũng như tổng hợp DNA, duy trì năng lượng thể chất, cảm xúc và tinh thần.
Vitamin B12 chủ yếu được tìm thấy trong thịt, gia cầm, cá và trứng.
4. Vitamin B6
Vitamin B6 có rất nhiều lợi ích đối với phụ nữ, điển hình là cân bằng hormone. Cụ thể: Giúp tuyến thượng thận hoạt động tốt hơn, cân bằng nội tiết tố, giảm buồn nôn khi mang thai, giảm PMS và nguy cơ rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt (PMDD), ngủ ngon hơn, tối ưu hóa sức khỏe não bộ, hỗ trợ tâm trạng, giảm viêm.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B6 bao gồm: Ức gà, gan bò, thịt bò, đậu xanh, cá hồi, chuối, quả bơ, khoai tây…
5. Vitamin B9
Vitamin B9 (hay axit folic, folate) là thành phần thiết yếu cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Nó giúp tạo ra và sửa chữa DNA, sản xuất tế bào hồng cầu, hỗ trợ sự phát triển và trao đổi chất của tế bào, đồng thời ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh.
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong-Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
Các thuốc trị đầy hơi, trướng bụng
Các thuốc trị đầy hơi, trướng bụng
1. Các thuốc trị đầy hơi hiệu quả
Đầy hơi chướng bụng do sinh lý thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình hồi phục và ổn định hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không thuyên giảm, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ có thể kê một (hoặc phối hợp) các thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng acid: Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa acid dịch vị, được dùng để làm giảm các chứng đầy hơi, khó tiêu do thừa acid trong dạ dày. Có nhiều loại thuốc kháng acid như: Natri bicarbonat, canxi carbonat, nhôm oxit/nhôm phosphate, một số thuốc có chứa magie, các thuốc kháng acid kết hợp nhôm-magie (trimafort, maalox). Nhiều loại thuốc kháng acid có chứa thêm simethicone như trimafort sẽ giúp phá vỡ các bọt khí trong dạ dày, giúp giàm đầy hơi hiệu quả.
- Thuốc giảm tiết acid: Các thuốc giảm tiết acid làm giảm lượng acid tiết ra trong dạ dày, giúp làm giảm chứng ợ nóng, đầy hơi. Một số thuốc giảm tiết acid như famotidine, ranitidine (thuốc kháng histamin H2) và thuốc ức chế bơm proton (như lansoprazole và omeprazole...). Tuy nhiên, mỗi loại có cách sử dụng khác nhau, do đó, cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Men tiêu hóa: Các loại men tiêu hóa hỗ trợ chứng rối loạn tiêu hóa nên thường được xem là thuốc chữa đầy hơi, khó tiêu hiệu quả. Có thể sử dụng một số loại men tiêu hóa như: Neopeptin, alipase, festal...
Tuy nhiên cần lưu ý, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Việc lạm dụng dùng men tiêu hóa có thể dẫn đến tình trạng ức chế khả năng tiết ra men tiêu hóa nội sinh hoặc gây tổn thương một số cơ quan nếu nồng độ men tiêu hóa quá cao.
Men tiêu hóa có thể tương tác với một số loại thuốc, do đó, để tránh tương tác xảy ra, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
2. Dùng thuốc trị đầy hơi sao cho an toàn?
Để dùng thuốc trị đầy hơi an toàn, người bệnh cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ dùng thuốc của bác sĩ.
- Tuân thủ cách dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tuyệt đối không tăng/giảm liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong-Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
Phân biệt các loại nước mắt nhân tạo và lưu ý khi sử dụng
Phân Biệt Các Loại Nước Mắt Nhân Tạo Và Lưu Ý Khi Sử Dụng
1. Các loại nước mắt nhân tạo
Các sản phẩm nước mắt nhân tạo phần lớn được chia thành 2 loại:
Có chất bảo quản: Nước mắt nhân tạo có chứa chất bảo quản giúp ngăn ngừa vi khuẩn và các vi sinh vật khác hình thành trong lọ sau khi mở nắp. Chất bảo quản thường không gây hại cho mắt nhưng có thể gây kích ứng nếu bị khô mắt ở mức độ trung bình hoặc nặng.
Không chất bảo quản: Hầu như không có chất phụ gia nên hạn chế khả năng gây kích ứng hoặc dị ứng. Nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản được đóng trong lọ dùng một lần và đắt hơn nhưng là lựa chọn an toàn hơn cho người mắc khô mắt nghiêm trọng, người quá mẫn cảm với chất bảo quản hoặc những người cần nhỏ nhiều lần trong ngày
2. Những lưu ý khi sử dụng nước mắt nhân tạo
- Đối với nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, với loại dạng tép chỉ nên dùng trong ngày.
- Đối với nước mắt nhân tạo có chất bảo quản. Nếu nhỏ quá nhiều lần một ngày, chất bảo quản có thể ức chế sự phát triển của tế bào giác mạc hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây viêm giác mạc. Nước mắt nhân tạo có chất bảo quản có thời hạn sử dụng lâu hơn nhưng cũng thường là dưới 1 tháng.
- Nước mắt nhân tạo là giải pháp giảm khô mắt tức thì nhưng không phải là thuốc điều trị khô mắt. Không nên lạm dụng, sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên hoặc quá mức khuyến nghị hàng ngày dẫn đến nguy cơ lệ thuộc khiến mắt càng khô thêm.
- Khi nhỏ nước mắt nhân tạo mọi người thường có thói quen ngửa đầu hoàn toàn về phía sau, nhưng tư thế này có thể khiến phần đầu lọ thuốc chạm vào mắt, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, khi nhỏ, chỉ cần ngửa đầu về phía sau khoảng 30 độ, dùng tay giữ mí mắt dưới rồi nhỏ vào mắt, cần rửa tay thật sạch trước khi nhỏ mắt.
- Nước mắt nhân tạo cũng có thể có tác dụng phụ như mờ mắt, ngứa, kích ứng, sưng tấy... tác dụng phụ toàn thân là đau đầu, phát ban, quá mẫn... Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, hãy ngừng sử dụng và đi khám bác sĩ ngay.
- Nếu sử dụng kính áp tròng, hoặc có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa trước khi sử dụng nước mắt nhân tạo: Đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, đỏ ở một bên mắt, tầm nhìn hạn chế...
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong-Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
Thông Báo Từ Sở Y Tế
Thông báo từ sở
Các thông báo từ Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh-
Danh sách điểm tiêm vắc xin sởi - rubella ngày 04/10/2024 - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
Trong ngày 04/10/2024, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng cộng 256 điểm tiêm tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, trong đó có 132 điểm tiêmtại Trạm Y tế và Trung tâm Y tế, 04 điểm tiêm tại bệnh viện, 08 điểm tiêm tại trường tiểu học và 112 điểm tiêm tại cơ sở tiêm chủng tư nhân
-
Danh sách điểm tiêm vắc xin sởi - rubella ngày 01/10/2024 - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
Trong ngày 01/10/2024, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng cộng 205 điểm tiêm tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, trong đó có 83 điểm tiêm tại Trạm Y tế và Trung tâm Y tế, 04 điểm tiêm tại bệnh viện, 06 điểm tiêm tại trường tiểu học và 112 điểm tiêm tại cơ sở tiêm chủng tư nhân.
- triển khai “Quy trình tra cứu, hỗ trợ thuốc cấp cứu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố” - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
- V/v tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch sởi và tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn TP.HCM - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
- Về nhu cầu tuyển dụng bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
Văn Bản Từ Sở Y Tế
Văn bản từ sở
Các văn bản từ Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh- Dự thảo Tờ trình Xin chủ trương xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp theo Thông tư số 21/2023/TT-BYT - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
- V/v Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình mới - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
- Về cấp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHXH đối với lao động là F0 - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
- Về ban hành Quy chế phối hợp quản lý, tổ chức chăm sóc F0 tại nhà và tại Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ đức - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh
- Tài liệu tập huấn công tác chăm sóc và quản lý F0 tại nhà - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh